Dự Án Xây Cất Tháp Đại Giác Ngộ Phụng Thờ Đức Phật Vô Lượng Thọ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Kính bạch chư Tôn Thiền Đức. 

Kính thưa quý Thiện Nam, Tín Nữ. 

Đức Phật Vô Lượng Thọ tiếng Phạn là Amitāyus. Amitā nghĩa là Đại Hỷ Lạc. Yus nghĩa là cuộc sống. Vì vậy, Amitayus có ý nghĩa là „Cuộc sống đại hỷ lạc, không còn đau khổ“. Ngài là Báo Thân của Đức Phật A Di Đà với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, trang nghiêm, rực rỡ. Thân Ngài sắc đỏ biểu trưng cho Đại Hỷ Lạc và sự trường thọ vô lượng của Ngài và chúng sanh trong cõi nước của Ngài. Trong lòng hai bàn tay với tư thế kết ấn thiền định, Ngài nâng bảo bình nước cam lồ bất tử. Tháp Đại Giác Ngộ hoặc còn gọi là Tháp Bồ Đề tiếng Phạn là Stūpa, có nghĩa là búi tóc, là nơi cất giữ xá lợi, xuất hiện từ thời Đức Phật còn tại thế. 

Tháp Đại Giác Ngộ là nơi phụng thờ xá lợi, pháp khí, hình, tượng Phật và Kinh điển. Theo vũ trụ quan của Phật Giáo, Tháp Đại Giác Ngộ là một Mạn Đà La hoàn hảo, trang nghiêm, thanh tịnh, là biểu tượng của từ bi và trí tuệ, là nơi vân tập của chư Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp. 

Công đức của việc xây dựng một Bảo Tháp rất thù thắng. Theo Kinh Pháp Hoa viết, bất cứ ai xây dựng được một ngôi Bảo Tháp phụng thờ Đấng Chiến Thắng, với những bức tường dù làm từ bùn và gạch, những đống đất đen, hoặc thậm chí chỉ từ một đống cát của các trẻ em hay chơi những trò chơi, đều sẽ đạt được giác ngộ. Những ai thường hay lễ lạy, dâng hiến những món cúng dường, đi nhiễu quanh tháp đều đạt được giác ngộ siêu việt và những phước báu vô lường. 

Bảo Tháp phụng thờ Đức Phật Vô Lượng Thọ tại Tu Viện Viên Lạc sẽ được xây dựng theo kiến trúc Tháp Đại Giác Ngộ. Từ thời Đức Phật đã từng có 8 kiểu Bảo Tháp được xây dựng: 1. Tháp Như Lai, 2. Tháp Giác Ngộ, 3. Tháp Pháp Luân, 4. Tháp Đại Thần Biến, 5. Tháp Thần Giáng, 6. Tháp Quang Minh, 7. Tháp Gia Bị, 8. Tháp Niết Bàn. Bảo Tháp được cấu trúc bởi 5 phần dựa trên ngũ đại (địa, thủy, hỏa, phong và không), biểu hiện một vũ trụ hoàn hảo của cảnh giới giác ngộ. 

Địa đại (màu vàng) theo khối hình vuông bao gồm 3 bậc dưới biểu tượng cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và 4 bậc trên biểu tượng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Thủy đại (màu xanh) theo hình tròn gồm 7 giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả). 

Hỏa đại (màu đỏ) theo hình tam giác, bậc dưới bao gồm Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định); bậc trên bao gồm 13 tầng quả vị Pháp thân Phật: Thập Địa (10), Diệu Giác, Đẳng Giác và Viên Giác. 

Phong đại (màu xanh lá cây) phía trên theo hình Bảo Cái biểu tượng cho sự che chở cho tất cả chúng sanh khỏi những sự khổ đau, phiền não. 

Không đại (màu trắng) trên cùng là hình mặt trăng biểu tượng cho Bồ Đề Tâm và mặt trời biểu tượng cho Trí Tuệ. Trên đỉnh của Bảo Tháp là một viên đá ngọc màu đỏ tượng trưng cho sự Giác Ngộ của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Sơ đồ của Bảo Tháp Đại Giác Ngộ

Sơ đồ của Bảo Tháp và nhà gỗ

Chương trình xây cất bao gồm một Bảo Tháp Đại Giác Ngộ phụng thờ Đức Phật Vô Lượng Thọ bằng gạch trắng hình vuông, với kích thước 2,60 x 2,60 mét và cao 3,60 mét. Xung quanh Bảo Tháp là đường đi kinh hành với kích thước 5,30 x 5,30 mét, một nhà gỗ hình vuông với diện tích 28 mét vuông ngoài trời dùng để tu tập và cúng khói. Xung quanh Bảo Tháp và nhà gỗ là công viên với nhũng loại hoa và cây cỏ, những lối đi thiền hành, thiết tạo bằng những vật liệu thiên nhiên như gỗ, cây, cỏ, đá, sỏi, cát v.v… (có thể trãi nghiệm bằng đi chân không).

Tổng chi phí ước tính để hoàn thành dự án là 16.000 Euro:

  1. Đổ móng Beton và Frostschutz (chống lạnh và ẩm ướt): 3.000 Euro

  2. Vật liệu xây Bảo Tháp và nhà gỗ: 4.000 Euro

  3. Tôn tượng Ngài Vô Lượng Thọ bằng đồng thờ trong Tháp thỉnh từ Nepal: 3.500 Euro

  4. Viên ngọc châu màu đỏ trong suốt: 2.500 Euro (đã có 2 Phật Tử phát tâm)

  5. Vật liệu để tự in ấn trên vải 108 bản Kinh A Di Đà và cờ có hình Ngài Vô Lượng Thọ và thần chú: 1.000 Euro

  6. Thiết tạo công viên: 2.000 Euro

Chúng con kính trình lên Chư Tôn Đức gia bị và quý Phật Tử, Thiện Nam, Tín Nữ phát tâm tùy hỷ cúng dường, hùn phước để có được nhiều công đức và phước báu thù thắng tạo dựng nên một ngôi Bảo Tháp Đại Giác Ngộ để phụng thờ Đức Phật Vô Lượng Thọ, Báo Thân của Đức Phật A Di Đà.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Kính khể thủ

TK. Thích Hạnh Giới

 

Tu Viện Viên Lạc

Großer Winkelsheidermoorweg 3

 Email: vienlac@chan-meditation.eu 

Telefon: 04451 8058430

Ngôi Bảo Tháp sẽ được khởi công xây cất vào tháng 6 năm 2022 khi thời tiết trở nên ấm áp. Từ ngay bây giờ tại Tu Viện Viên Lạc đã có những thời khóa tụng Kinh gia trì, niệm Phật, bái sám, in Kinh trên cờ vải, cuộn Kinh cho vào ống để thờ trong Bảo Tháp, tạo dựng công viên v.v… Quý Phật Tử có thể theo dõi trên trang nhà Viên Lạc để về Tu Viện tu tập, làm công quả. 

UPDATE:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Thiền Đức
Kính thưa quý Thiện Nam, Tín Nữ.
 
Kính thông báo đến quý Vị là Tu Viện Viên Lạc nay xin ngưng không nhận thêm tiền cúng dường, hùn phước, cho Dự Án Xây Bảo Tháp phụng thờ Đức Phật Vô Lượng Thọ tại Tu Viện Viên Lạc nữa vì chi phí dự định đã đạt được. Nếu quý Vị muốn cúng dường xin hoan hỷ cúng vào chương trình Từ Thiện sắp đến (26.11.2021 – 15.01.2022) tại Nepal và Ấn Độ. Trong chuyến Từ Thiện lần này cũng có chương trình cúng dường xây dựng Thiền Đường và Tu Viện ở Chitwan và những chương trình từ thiện giúp đở khác. Xin đọc thêm bài viết „Hành Hương và Từ Thiện tại Nepal và Ấn Độ“ 
Kính tri ân và cảm niệm sự cúng dường của quý Vị. Nguyện hồi hướng công đức tạo tượng, xây Bảo Tháp, đến Thập Phương Pháp Giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Kính khể thủ,
TK Thích Hạnh Giới
Kategorien: News

0 Kommentare

Schreibe einen Kommentar

Avatar-Platzhalter

Deine E-Mail-Adresse wird nicht veröffentlicht. Erforderliche Felder sind mit * markiert

Translate »